Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 116 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 13/5/2006, bà Jane Coyle, cháu dâu của Đại tá Stephen L.Nordlinger, người cách đây 62 năm đã được tiếp xúc và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh Bức tranh thêu tùng hạc, một kỷ vật quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Đại tá L. Nordlinger, tháng 10-1945.
62 năm trước, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cũng là lúc nước ta chớp thời cơ, giành được độc lập, vào cuối tháng 8 năm 1945. Đội quân G5, đơn vị cứu tế xã hội của Hoa Kỳ đối với quân Đồng minh do Đại tá L. Nordlinger đứng đầu đến Hà Nội, với sứ mệnh nhân đạo là giải phóng tù binh đang bị Nhật giam giữ, đồng thời chăm sóc, hỗ trợ thuốc men, lương thực cho những số phận bất hạnh đến từ các nước khác nhau. Đoàn cứu tế xã hội Hoa Kỳ đến Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam quan tâm, giúp đỡ.
Đầu tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đại tá L. Nordlinger để bàn việc giúp đỡ, vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc. Sự kiện này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, ngày 9-10-1945.
Bức tranh có kích thước không lớn (60 x 215cm), nhưng dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, trên nền vải thô màu vàng nhạt, những đường thêu đã làm hình ảnh chim hạc đậu trên cây tùng hiện lên sinh động, cùng lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh: "Best greetings from Hô Chi Minh, oct. 1945" (Những lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 1945). Đường bo bằng vải xatanh màu đỏ nâu càng tôn them vẻ đẹp tinh tế của tặng vật.
Sinh thời Đại tá L. Nordlinger đã treo bức tranh này ở nơi trang trọng nhất trong nhà riêng của ông, tại New York.
Trải qua hơn 60 năm, bức tranh được gia đình Đại tá L. Nordlinger gìn giữ, để ngày nay vượt hàng nghìn cây số, từ nước Mỹ bên kia bán cầu, trở về Việt Nam, với một thông điệp hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng.
Phát biểu tại buổi lễ trao tặng bức tranh, bà Jane Coyle nói: "Cá nhân tôi rất xúc động vì được tham gia một phần nhỏ bé của mình vào số mệnh đã đưa Đại tá L. Nordlinger và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhau như những người bạn. Sau thời gian chiến tranh chia cắt và khổ đau, giờ đây điều thật hợp lý và vì lợi ích của hoà bình và tình hữu nghị mà bức tranh thêu lại trở về nhà.