Kim ngạch xuất nhập khẩu có dấu hiệu suy giảm trong nửa đầu tháng 5. Tuy nhiên, kết quả này chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung.
Theo thông tin về tình hình xuất nhập khẩu Tổng cục Hải quan mới công bố, nửa đầu tháng 5 (từ ngày 1 đến 15/5), kim ngạch nhập khẩu đạt 15,523 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 12,82 tỷ USD. Như vậy, nửa đầu tháng này nước ta nhập siêu 2,7 tỷ USD.
So với nửa cuối tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm, trong đó xuất khẩu giảm 5,13 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ giảm gần 100 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 135,17 tỷ USD, tăng 15,53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.
Chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 135,39 tỷ USD, tăng 15,17% so với cùng kỳ 2021.
Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu hàng hóa tăng cao không quá đáng lo ngại vì các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất và sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tiêu dùng nội địa trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu cả nước cho thấy sự điều hành thống nhất, linh hoạt, đúng hướng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các chỉ tiêu, lĩnh vực, ngành nghề xuất khẩu đều phục hồi mạnh mẽ là kết quả của việc nền kinh tế đã sớm trở lại “bình thường mới”.
Mặc dù đạt kết quả tích cực, song hoạt động thương mại của Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức. Đó là diễn biến khó lường của dịch Covid-19; nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị; giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng… Ngoài ra, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn gặp một số khó khăn do chính sách chống dịch của nước bạn.
Để hoạt động xuất khẩu phát huy thành quả trong thời gian tới, đại diện các hiệp hội ngành hàng mong muốn, cơ quan chức năng, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại… Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, việc khai thác tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại cũng cần tiếp tục chú trọng bên cạnh việc áp dụng các giải pháp quản trị rủi ro, giảm thiểu những tác động từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Nguồn: Báo Công Thương