Việt Nam chủ trương và nỗ lực đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình và phát triển bền vững.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao, từ ngày 6-10/6, Hội đồng thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức cuộc họp định kỳ với sự tham dự của đại diện 35 quốc gia thành viên, các nước thành viên IAEA và tổ chức quốc tế là quan sát viên tại Viên (Áo). Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA làm Trưởng đoàn, cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Đình Hiền, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng hoá học, Bộ Quốc phòng và đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Cuộc họp do Đại sứ Shin Chae-Huyn, Trưởng Phái đoàn Hàn Quốc, Chủ tịch Hội đồng thống đốc chủ trì với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề lớn như xem xét và thông qua các Báo cáo năm 2021 của Tổng giám đốc IAEA về an ninh, an toàn, thanh sát hạt nhân và tình hình hợp tác kỹ thuật; kiểm điểm tình hình thực thi các Hiệp định thanh sát giữa IAEA với Iran, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên; và thống nhất chương trình nghị sự Khoá 66 Đại hội đồng IAEA (tháng 9/2022).
Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp thời gian gần đây, cuộc họp Hội đồng thống đốc lần này cũng xem xét và thảo luận các vấn đề đang nổi lên như tác động của xung đột Nga - Ukraine với an ninh, an toàn hạt nhân, Hiệp ước AUKUS về hợp tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc về việc chuyển giao tàu ngầm hạt nhân, hay khả năng Triều Tiên thử hạt nhân.
Phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn, thanh sát hạt nhân và hợp tác kỹ thuật của IAEA; đặc biệt Tổng giám đốc cảnh báo nguy cơ mất an toàn, an ninh hạt nhân tại Nhà máy Zaporizhzhia tại Ukraine trong bối cảnh đang bị Nga kiểm soát và chính quyền Ukraine thông báo mất kiểm soát đối với vật liệu hạt nhân.
Tổng giám đốc Grossi khẳng định trong hơn một năm qua, IAEA đã nỗ lực hết mình nhằm bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, nổi bật là việc triển khai hơn 3.000 hoạt động thanh sát ở các khu vực, nhiều dự án lớn như rác thải nhựa đại dương (NUTEC) với 120 phòng thí nghiệm quốc gia, giải quyết các dịch bệnh lây qua đường động vật (ZODIAC), cung cấp trang thiết bị xét nghiệm Covid-19 cho hơn 30 triệu người dân trên toàn thế giới; khẳng định năng lượng hạt nhân mang lại lợi ích quan trọng thông qua cung cấp nguồn năng lượng sạch, ứng dụng vào các nỗ lực giảm rác thải carbon, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế và nông nghiệp.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng giám đốc IAEA cũng bày tỏ quan ngại trước sự phát triển của các công nghệ hạt nhân mới có thể đặt ra những thách thức về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở hạ tầng hạt nhân.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên đã đề cao các chủ trương, chính sách lớn và nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình và phát triển bền vững, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó khẳng định việc ban hành Nghị định 81 năm 2019 về phòng, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt đã tạo hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn, phổ biến, tài trợ phổ biến các loại vũ khí này; đề cao và coi trọng vai trò trung tâm của IAEA trong các nỗ lực này.
Đồng thời, Việt Nam khẳng định cùng các nước thành viên chia sẻ tiếng nói, quan tâm đối với những tiềm năng của các công nghệ mới như lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ và lắp đặt theo mô-đun (SMR), nhà máy điện hạt nhân di động (TNPP) và nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển (FNPP) và các đánh giá về thách thức của chúng đối với khuôn khổ pháp lý quốc tế, hệ luỵ đối với môi trường, an toàn, an ninh…
Đại sứ khẳng định việc nghiên cứu, phát triển, cấp phép, vận hành và triển khai các công nghệ hạt nhân mới nói trên cần được tiếp cận thận trọng, tiệm tiến và sớm định hình một khuôn khổ pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, bảo vệ môi trường, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm minh bạch, theo đúng quy trình và thông lệ chung; đồng thời ủng hộ vai trò dẫn dắt của IAEA trong tiến trình này với sự tham gia của các quốc gia thành viên.
Nhân dịp này, Đại sứ đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng nguyên tử, ứng phó với các sự cố bức xạ, hạt nhân; xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý trong nước về Luật Hạt nhân.
Nguồn: Báo Công thương